(LĐTĐ) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho rằng, trong các nguồn lực về tài nguyên và môi trường thì điểm rất đáng chú ý là Hà Nội có quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông hiện cơ bản còn nguyên vẹn. Đây là nguồn lực quan trọng để quy hoạch sử dụng hiệu quả, đưa Hà Nội trở thành một Seoul thứ hai.
Ngày 23/6, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng Tiểu ban - Trưởng Ban Biên tập Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị |
Hội nghị đã ghi nhận 14 ý kiến góp ý trực tiếp của đại diện các bộ, ngành trung ương. Các ý kiến đã gợi mở nhiều vấn đề chuyên sâu liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể.
Đáng chú ý, ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân tích, việc quản lý quy hoạch và sử dụng tài nguyên môi trường ở Hà Nội còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, trong quy hoạch đô thị của Hà Nội hiện vẫn chưa dành phần diện tích xứng đáng cho không gian xanh, công viên hồ nước.
"Bên cạnh mục tiêu về tăng trưởng kinh tế thì vấn đề môi trường là chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững. Thành phố cũng cần quy hoạch, có diện tích hợp lý cho cây xanh, mặt nước, nhất là những vùng phát triển mới ngoài vành đai 3, vành đai 4. Cùng với đó, Hà Nội cần khai thác hiệu quả hơn nguồn lực tài nguyên, nhất là quỹ đất ven sông Hồng", ông Kiên đề nghị.
Định hướng trong thời gian tới, ông Kiên cũng đề nghị Hà Nội cần quan tâm hơn đến quy hoạch không gian ngầm bởi không một thành phố lớn nào trên thế giới không quan tâm đến vấn đề này. “Nền địa tầng của Hà Nội khá phức tạp, ở từng điểm lại có độ lún sụt khác nhau, ví dụ như ở khu vực Thành Công mỗi năm 4-5cm, khu Pháp Vân mỗi năm 22mm, khu Đông Anh cũng chỉ vài mm. Do đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu không gian ngầm không thể không làm, lúc này làm đã là muộn. Mặc dù rất khó khăn, tốn kém nhưng không thể không làm”, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho hay.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn lực rất đáng quý của Thủ đô Hà Nội là quỹ đất ven sông Hồng với phần lớn các bãi bồi ven sông hiện cơ bản còn nguyên vẹn. Theo ông Kiên, nếu làm quy hoạch tốt, khai thác hiệu quả nguồn lực này sẽ đưa Hà Nội trở thành một Seoul thứ hai.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên phát biểu tại hội nghị |
Đề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho rằng đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Do đó, nhiệm kỳ tới Hà Nội cần đánh giá đúng công tác quy hoạch để làm tốt hơn. “Trong đó cần làm rõ thêm yêu cầu đẩy mạnh công tác quy hoạch gắn với có kế hoạch thực hiện quy hoạch”, ông Văn nói.
Về lĩnh vực ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đề nghị trong báo cáo chính trị Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội đánh giá sâu sắc hơn kết quả lĩnh vực tài chính, ngân sách. Mặt khác, trong nhiệm kỳ 2020-2025 tới, Thành phố cần đưa cải cách thể chế trở thành khâu đột phá thứ nhất, vì đây vẫn là giải pháp chính để khắc phục những bất cập, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, Hà Nội phải đặt công tác đối ngoại ở vị thế cao hơn, không chỉ là công cụ đắc lực, mà còn là động lực cho sự phát triển của Thành phố. Đặc biệt, trong bối cảnh sự phát triển như hiện nay, đòi hỏi Thành phố phải đặt mục tiêu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở các nước và tranh thủ nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài.
Hoàng Phúc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn