Một lô đất công viên… bán cho nhiều người
Ngày 8/5, cả trăm người kéo đến trụ sở của Hoàng Kim Land, có trụ sở số 28 - 30 đường D1, khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM đòi công ty này trả lại tiền cọc. Tuy nhiên, trong cảnh hỗn loạn ấy, không hề có sự xuất hiện của 2 nữ Giám đốc. Một người báo đang đi công tác Phan Thiết (Bình Thuận), người còn lại trốn tránh. Đến khi công an yêu cầu có mặt để giải quyết, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Hoàng Kim Land, dù trước đó báo đi Phan Thiết nhưng khi có mặt cũng không giải quyết được gì.
Phản ánh với PV, nhiều khách hàng cho biết, từ năm 2017 đã tìm đến công ty TNHH Hoàng Gia, có trụ sở tại R4 - 83 Hưng Gia 1, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM do bà Trần Thị Mỹ Hiền làm Giám đốc để ký hợp đồng đặt cọc mua đất nền tại dự án Đường số 7, Khu cân cư Vĩnh Lộc, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM (gọi tắt là dự án Đường số 7).
“Trong hợp đồng mua bán, công ty cam kết sau thời gian 9 tháng sẽ giao sổ hồng cho khách hang, tuy nhiên đến thời hạn, công ty vẫn không thực hiện đúng như cam kết. Không chỉ thế, bà Hiền còn thành lập thêm công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Bất động sản Hoàng Kim Land, số 28 - 30 đường D1, khu phố 5, phường Tân Hưng, quận 7, TP.HCM giao bà Trần Thị Hồng Hạnh làm Giám đốc để tiến hành vẽ phân lô lại dự án và đem bán cho nhiều khách hàng khác”, ông Mai Văn T., ngụ quận Bình Tân đã mua đất dự án cho biết.
Theo tìm hiểu, ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, người mua dự án “Đường số 7” đến nay đã có cả trăm, người ít thì 1 nền, nhiều thì 3-4 nền, thậm chí cả chục nền và số tiền đặt cọc rất lớn. Điển hình như bà Nguyễn Thạch L. (ngụ quận Bình Tân) đã đặt cọc số tiền trên 5,1 tỷ đồng cho 5 nền đất. Hay ông Trần Huy C. (ngụ quận 12) đặt cọc trên 4 tỷ đồng cho 4 nền đất hay ông Nguyễn Hải U. (ngụ quận Bình Tân) đã đặt cọc trên 13,1 tỷ đồng cho cho 10 nền...
Về số tiền đặt cọc cụ thể, theo tìm hiểu và ghi nhận của PV, đến thời điểm này chỉ khoảng 50 khách hàng nhưng số tiền “góp vốn” đã lên đến cả trăm tỷ đồng. Thậm chí, tại dự án “Đường số 7”, 1 nền đất, công ty này còn bán cho nhiều người khác nhau. Điển hình như nền đánh số 19 đã bán cho 3 người khác nhau, với số tiền từ 900 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng.
Điều đáng nói, để qua mặt cơ quan chức năng và “lách luật”, Hoàng Kim Land và Hoàng Gia đã vẽ ra dự án đồng thời bán đất nền bằng “hợp đồng góp vốn” nhưng về bản chất thì vẫn mua bán đất. Hợp đồng cũng ghi rõ: “Bên A đồng ý sẽ cho bên B góp vốn giữ chỗ thuộc dự án đường số 7, thửa đất 1096, tờ bản đồ số 1, Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM”. Trong đó, “phương thức góp vốn là bên B cam kết góp vốn cho bên A bằng tiền mặt đủ 100% số tiền theo giá trị hợp đồng 1 lần ngay sau khi ký kết hợp đồng này”.
Bên cạnh đó, thửa đất này cũng đang nằm trong quy hoạch, nhưng cũng bị 2 công ty này ngang nhiên rao bán công khai. Trong hợp đồng cũng ghi rõ: “Bên A đang hoàn tất hồ sơ chuyển đổi quy hoạch khu đất, từ quy hoạch công viên cây xanh, đất công cộng sang thành quy hoạch khu dân cư”.
Có thể có lợi ích nhóm?
Đây không phải là vụ việc hi hữu, thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM và các địa phương lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Long An... cũng đã xảy ra nhiều trường hợp tương tự. Mới đây, nhiều người cùng đã tố cáo ông Trần Văn Vân (SN 1974, ngụ xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè, TP.HCM) về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Theo đó, ông Vân đã bán bán lô đất với diện tích gần 10.000m2, tại khu dân cư Rạch Bà Tánh (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho nhiều người khác nhau.
Điển hình như bà Nguyễn Thị Sự (ngụ huyện Bình Chánh) đã đặt cọc cho ông Vân 3 đợt, với tổng cộng 7 tỷ đồng để mua đất nêu trên. Tương tự, ông Trần Xuân Yểm (ngụ quận Tân Phú) cũng đặt cọc 3 tỷ đồng để mua 200m2 tại thửa đất nêu trên. Vẫn là lô đất đó, ông Vân tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng cho công ty TNHH Bất động sản Sài Gòn - Phú Nhuận với diện tích 2.000m2. Ngoài ra, ông Vân còn bán cho nhiều người khác.
Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Trần Quốc Luật, SN 1975, ngụ tại TP.HCM, Nguyễn Ngọc Hoa, SN 1981, ngụ tỉnh Bình Dương, Nguyễn Văn Thọ, SN 1953, ngụ TP.HCM và Nguyễn Thị Kim Loan, SN 1957, quê quán Nam Định.
Theo đó, các đối tượng này đã lập ra công ty Cổ phần đầu tư Bất động sản Đất Thủ và công ty TNHH Đầu tư Phát triển Trần Quốc Luật (có trụ sở tại tỉnh Bình Dương). Thủ đoạn của các đối tượng này là sau khi mua đất, dù không được lập phương án đầu tư nhưng vẫn tự ý thực hiện san ủi mặt bằng, làm đường nội bộ và tiến hành phân lô bán nền. Chỉ với 5 thửa đất, các đối tượng này đã bán cho 69 người khác nhau, thu lợi bất chính hơn 9 tỷ đồng.
Trước đó, phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP.HCM cũng đã thụ lý vụ việc người dân khiếu nại 3 sàn giao dịch BĐS có dấu hiệu lừa đảo gồm: Công ty CP Địa ốc Kim Phát; công ty Cổ phần Đầu tư Đại Phúc và công ty CP Đầu tư Việt Hưng Phát. Cả 3 doanh nghiệp này đều có chiêu thức hoạt động giống nhau, là dùng đất “ảo” hoặc đất không như cam kết bán cho khách hàng. Sau khi khách hàng đóng tiền cọc, góp vốn (chủ yếu xảy ra ở tỉnh Đồng Nai) mới phát hiện các thửa đất không có hoặc không đúng như thỏa thuận. Tuy nhiên, khi đòi lại tiền, các sàn này không trả lại.
Để lách luật và đưa khách hàng vào tròng, các doanh nghiệp này ký kết hợp đồng dưới dạng: Hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng đặt cọc, góp vốn nhận chuyển nhượng BĐS, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất...
“Đất đai đang là vấn đề nhạy cảm, đặc biệt là đất nền, do đó, bất cứ dự án nào tung ra trên thị trường đều thu hút sự quan tâm của người dân, đặc biệt là giới đầu cơ hay các đơn vị, cá nhân môi giới. Trong đó, không tránh khỏi những trường hợp thổi phồng, tạo cơn sốt ảo... để đẩy giá đất lên cao. Hệ lụy cuối cùng là những người có nhu cầu về đất ở thật lại khó tiếp cận, dù giá trị thực của nó không đến như thế”, chuyên gia kinh tế, TS.Nguyễn Văn Hùng, đại học Kinh tế TP.HCM phân tích.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Thành, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Hiện nay, để xử lý các cá nhân, tổ chức mua bán, chuyển nhượng với hình thức này rất khó khăn. Bởi, họ thường quảng cáo, tổ chức tham quan, giới thiệu mua bán trên thực địa là những thửa đất lớn và theo những bản đồ tự vẽ, tự phân lô nhưng lại chưa thực hiện việc thi công hạ tầng. Đồng thời, họ cũng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, trong khi đó, hình thức ký hợp đồng lại được lách luật bằng các hợp đồng góp vốn, ký hợp đồng vi bằng... cho nên các cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm”.
Tuy nhiên, “không loại trừ trường hợp có lợi ích nhóm, có sự tiếp tay của cán bộ công quyền trong lĩnh vực đất đai. Thực tế, nếu chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý chuyên môn làm quyết liệt thì tôi cho rằng, vấn nạn này sẽ giảm được rất lớn”, luật sư Thành nói thêm.
Tuyên truyền người dân tránh bị kẻ xấu lợi dụng
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết: “Ủy ban đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu các quận, huyện phải lưu ý tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng. Đồng thời, phải quản lý chặt chẽ, đặc biệt là bộ máy của mình. Riêng ngành công an và các ngành chức năng tại địa phương cũng phải tăng cường công tác quản lý, xử lý nghiêm những đối tượng lợi dụng việc tách thửa, phân lô đất nền tại địa bàn để đẩy giá cao hơn thực tế nhằm trục lợi”.