Bộ Xây dựng đang chuẩn bị hội nghị thúc đẩy thị trường bất động sản
Thứ tư - 08/02/2023 07:10
Thứ Trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ đang giao bộ này chuẩn bị hội nghị thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, dự kiến sẽ diễn ra ngay trong tháng 2, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ. Thông tin trên được lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết khi phát biểu tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8.2. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh NGỌC THẮNG Chưa hề có chỉ đạo yêu cầu siết tín dụng bất động sản Theo ông Sinh, thời gian gần đây liên tiếp có nhiều cuộc họp tháo gỡ về pháp lý, vốn cho bất động sản. Đây là ngành có đặc thù, một trong những lĩnh vực có nhiều dự án đầu tư kéo dài, sử dụng nguồn vốn lớn, dài hạn. Thời gian qua, các doanh nghiệp đầu tư bất động sản đang phải dùng nhiều nguồn vốn khác nhau, như: tự có, vay tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán… Các doanh nghiệp đã chủ động, linh hoạt, sử dụng khá hiệu quả nguồn vốn, nhưng thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn. Theo Thứ trưởng Sinh, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác gồm nhiều cơ quan, ban, ngành đi làm việc với nhiều doanh nghiệp, địa phương để rà soát, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc; báo cáo Chính phủ, đề xuất giải pháp. Trong tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản của Thủ tướng có Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ KH-ĐT, Bộ Công an… Trực tiếp ông Sinh và Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, địa phương để nắm bắt tình hình, trong đó có khó khăn về vốn tín dụng. Tổ công tác thấy rằng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất tích cực hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản. 3 năm qua, tính từ năm 2020, dư nợ tín dụng bất động sản vẫn tăng liên tục dù kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dư nợ tín dụng bất động sản cuối năm 2020 là hơn 633.000 tỉ đồng; đến cuối năm 2021 tăng lên mức hơn 728.000 tỉ đồng; cuối năm 2023 tăng lên là gần 800.000 tỉ đồng. Về mặt điều hành tín dụng vào bất động sản, Bộ Xây dựng thống nhất là chưa hề có chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước yêu cầu siết tín dụng. Đó là chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc cho vay để dòng tiền đi đúng định hướng, đúng dự án, tránh tình trạng sử dụng nguồn vốn tín dụng không đúng mục đích vay. Thời gian qua, bối cảnh cuối năm 2022 có nhiều biến động, gây khó khăn cho doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã có đề xuất nới room tín dụng để tiếp tục hỗ trợ cho vay. Dù cố gắng như vậy, quý 4/2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp cần rà soát lại các dự án để tránh tình trạng ôm đồm quá sức, tiềm ẩn rủi ro LÊ QUÂN Cơ cấu lại sản phẩm kinh doanh dựa trên thực lực Về giải pháp làm sao tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tín dụng bất động sản phát triển lành mạnh, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho rằng các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu các quy định, tiêu chí để thực hiện, đảm bảo điều kiện cho vay, có tài sản đảm bảo, dự án đủ pháp lý… để ngân hàng yên tâm giải ngân. Thứ trưởng Sinh cũng đề nghị doanh nghiệp trên cơ sở thực lực của mình cơ cấu lại sản phẩm kinh doanh; rà soát lại các dự án, đảm bảo khả năng thực hiện, tránh tình trạng khả năng có một mà tham thực hiện 5 dự án, cuối cùng vẫn phải bán bớt vì không đủ sức; từ đó tái cơ cấu bộ máy, củng cố tiềm lực tài chính. Đại diện Bộ Xây dựng cũng bày tỏ mong muốn, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư bất động sản thuận lợi vay vốn nhất, cho vay dự án đang triển khai dở dang để hoàn thành về đích; dự án đủ pháp lý thì giải ngân để triển khai.